Điều lệ Hội

ĐIỀU LỆ HỘI GOLF THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHƯƠNG I: ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Tên gọi:  “Hội Gôn Thành phố Hà Nội”.
Tên gọi quốc tế bằng tiếng Anh: Hanoi Golf Association (HNGA)

Điều 2. Hội Gôn Thành phố Hà Nội là tổ chức quần chúng của các tổ chức và cá nhân có hoạt động về gôn và chơi gôn trên cơ sở tự nguyện để rèn luyện sức khỏe, tham gia phát triển phong trào, nâng cao trình độ môn gôn ở Hà Nội và tăng cường giao lưu, đoàn kết hữu nghị với các đối tác trong và ngoài nước.

Điều 3. Hội Gôn Thành phố Hà Nội là thành viên của Hiệp Hội Gôn Việt Nam, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch  Hà Nội.

Điều 4. Hội Gôn Thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, biểu tượng, con dấu  và tài khoản riêng.
Trụ sở đặt tại:  Tầng 14, Tòa nhà Viglacera, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN

Điều 5. Nhiệm vụ của Hội Gôn Thành phố Hà Nội:
1. Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch  Hà Nội, các tổ chức kinh tế – xã hội để:
– Xây dựng kế hoạch phát triển phòng trào luyện Gôn trong quần chúng tại Hà Nội.
– Xây dựng và tổ chức thực hiện các hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các tài năng, đặc biệt là các tài năng trẻ, đội ngũ vân động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên, trọng tài,v.v… cho môn Gôn.
– Tổ chức các giải thi đấu nghiệp dư và chuyên nghiệp, tập huấn môn Gôn ở Thành phố Hà Nội.
2. Huy động các nguồn lực và tài trợ ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đẩy mạnh các hoạt động của Hội.
3. Bảo vệ và nâng cao uy tín của Hội Gôn Thành phố Hà Nội. Chăm lo và bảo đảm các quyền lợi của Hội viên. Tạo điều kiện thuận lợi để hội viên luyện tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và hoàn thiện phong cách chơi Gôn.
4. Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi môn Gôn trong xã hội như các môn thể thao khác. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện.
5. Tư vấn, tham mưu và đề xuất, kiến nghị với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội về các vấn đề liên quan đến chủ trương, kế hoạch phát triển và nâng cao trình độ môn Gôn, tuyển chọn vận động viên, huấn luyện viên, thành lập đội tuyển của Thành phố.
6. Hỗ trợ và tham gia các hoạt động của Hội Gôn Việt Nam. Tăng cường và mở rộng giao lưu và hợp tác với các Hiệp hội và Câu lạc bộ Gôn trong và ngoài nước.
7. Xây dựng phong cách – văn hóa chơi Gôn với các tiêu chí: Thân thiện, lịch sự, bình đẳng, trung thực, nghiêm túc.

CHƯƠNG III: HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên:
1. Những cá nhân chơi Gôn nếu tán thành Điều lệ cùa Hội Gôn Thành phố Hà Nội, có đơn xin tự nguyện tham gia đều có thể trở thành Hội viên của Hội Gôn Thành phố Hà Nội.
2. Những nhà đầu tư và hoạt động liên quan đến môn thể thao Gôn nếu tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện xin gia nhập thì có thể được kết nạp thành Hội viên của Hội Gôn Thành phố Hà Nội.
3. Những người có nhiều đóng góp to lớn cho hoạt động của Hội Gôn Thành phố Hà Nội thì có thể được kết nạp là Hội viên danh dự của Hội.
4. Hội viên tập thể: Hội Gôn Thành phố Hà Nội xem xét và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, các CLB gôn tham gia là Hội viên tập thể của Hội.

Điều 7. Quyền lợi và nghĩa vụ của Hội viên:
1.Hội viên được cấp thẻ Hội viên và được hưởng ứng các quyền lợi sau:
– Được quyền tham gia thảo luận, góp ý xây dựng kế hoạch, phương hướng, biện pháp, chương trình hoạt động của Hội Gôn Thành phố Hà Nội. Giám sát hoạt động của Ban lãnh đạo và các bộ phận chức năng của Hội.
– Được quyền bầu cử, ứng cử vào Ban chấp hành của Hội.
– Được tham gia vào các hoạt động về Gôn do Hội tổ chức như: luyện tập, tập huấn, thi đấu ở các giải trong và ngoài nước, hội thảo và các hoạt động giải trí khác,v.v…
– Được ưu tiên sử dụng các cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện và trang thiết bị luyện tập chuyên dùng của Hội.
– Được hưởng ưu đãi đối với nhiều dịch vụ khác nhau do Hội xác lập với các tổ chức kinh tế – xã hội, các câu lạc bộ và Hội Gôn khác.
– Được hỗ trợ và tạo điều kiện để luyện tập, nâng cao trình độ và kiến thức chuyên môn về Gôn.
– Được Hội bảo vệ danh dự và uy tín chính đáng trước công luận.
– Được khen thưởng khi có thành tích.
– Các Hội viên tập thể được cử thành viên tham gia các hoạt động của Hội. Số lượng thành viên đại diện sẽ được Ban chấp hành Hội thông báo tùy theo từng sự kiện.
2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của Hội viên:
– Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, các quy định, nội quy và Nghị quyết của Hội Gôn Thành phố Hà Nội.
– Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
– Tham gia tích cực và thường xuyên các sinh hoạt và hoạt động của Hội Gôn Thành phố Hà Nội.
– Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng môn thể thao gôn trong xã hội.
– Giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết và uy tín của Hội.
– Tham gia đóng góp ý kiến đối với các vấn đề: kế hoạch, chương trình hoạt động và các biện pháp tổ chức thực hiện, các vấn đề về nhân sự của Hội Gôn Thành phố Hà Nội để xây dựng Hội ngày càng phát triển và vững mạnh.

Điều 8. Kết nạp, khai trừ hội viên:
1.Kết nạp Hội viên:
– Người chơi Gôn muốn tham gia Hội Gôn Thành phố Hà Nội phải làm đơn xin gia nhập, được sự giới thiệu và đảm bảo của ít nhất 01 hội viên chính thức của Hội Gôn Thành phố Hà Nội; Hội viên sáng lập thì không cần phải có người giới thiệu.
– Việc quyết định kết nạp hội viên mới phải được sự nhất trí trên nguyên tắc quá bán của Ban Chấp Hành Hội Gôn Thành phố Hà Nội.
2. Khai trừ hội viên: Hội viên sẽ bị khai trừ khỏi Hội Gôn Thành phố Hà Nội  khi vi phạm những quy định sau:
– Không nộp các khoản hội phí theo quy định;
– Bị kỷ luật ở hình thức cảnh cáo quá 03 lần do vi phạm nội quy và điều lệ của Hội;

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 9. Hội Gôn Thành phố Hà Nội  tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, quyết định theo đa số, tự quản, tự trang trải về kinh phí theo Điều lệ, theo các quy định của Hội trong khuôn khổ của Pháp luật.

Điều 10. Đại hội đồng Hội viên:
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại Hội đồng Hội viên, được tổ chức 05 năm một lần.
2. Đại Hội đồng Hội viên có nhiệm vụ:
– Kiềm điểm các hoạt động của Hội đối với nhiệm kỳ đã qua. Đề ra phương hướng, kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện đối với hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ mới.
– Thông qua quyết toán tài chính nhiệm kỳ cũ và dự toán tài chính cho nhiệm kỳ mới.
– Sửa đổi Điều lệ (nếu thầy cần thiêt).
– Bầu Ban chấp hành mới.
3. Trong trường hợp cần thiết, Đại hội bất thường có thể được tổ chức khi có ít nhất trên 50% Ủy viên Ban Chấp hành yêu cầu.

Điều 11. Ban chấp hành Hội:
1. Ban chấp hành Hội Gôn Thành phố Hà Nội do Đại Hội đồng Hội viên bầu ra và là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội. Số lượng Ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định.
2. Ban chấp hành sẽ bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban thư ký.
3. Những Hội viên có đủ uy tín, tâm huyết và năng lực đều có thể ứng cử hoặc được đề cử vào Ban chấp hành của Hội.
4. Nhiệm vụ của Ban chấp hành:
– Xây dựng quy chế hoạt động, các quy định và nội quy sinh hoạt của Hội. – – Phân công công việc cho các Ủy viên trong Ban Chấp hành.
– Tổ chức điều hành các hoạt động của Hội theo Nghị quyết Đại hội đồng Hội viên.
– Xây dựng và triển khai kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại Hội đồng Hội viên.
– Quản lý tài chính, tài sản của Hội. Quyết định, quy định các vấn đề về tài chính như: ngân sách, mức thu lệ phí gia nhập, hội phí và các khoản thu – chi khác cho hoạt động của Hội.
– Tìm kiếm các nguồn tài trợ.
– Tổ chức các hình thức hoạt động tạo nguồn kinh phí.
– Quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với Hội viên.
– Quyết định kết nạp, khai trừ, miễn nhiệm Hội viên.
– Quyết định triệu tập, tổ chức Đại Hội đồng Hội viên.
– Ban chấp hành 3 tháng họp một lần, trong trường hợp cần thiết Chủ tịch hội triệu tập bất thường.
Hội viên có nhiều uy tín và đóng góp to lớn đối với việc hình thành, xây dựng và phát triển của Hội Gôn Thành phố Hà Nội có thể được bầu là Chủ tịch hay Phó Chủ tịch danh dự của Hội Gôn Thành phố Hà Nội.

Điều 12. Nhiệm vụ của các chức danh trong Ban Chấp hành:
1.Chủ tịch Hội Gôn Thành phố Hà Nội là người đại diện của Hội, do Ban chấp hành bầu ra, có trách nhiệm và quyền hạn sau:
– Chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban chấp hành và các hội viên về các hoạt động của Hội.
– Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội.
– Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành.
– Ký các văn bản về việc phê chuẩn, kết nạp, khai trừ, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các hội viên, những văn bản thỏa thuận, hợp tác quan trọng với các tổ chức thể thao – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước sau khi đã được Ban chấp hành thông qua và có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành.
2. Các Phó chủ tịch do Ban chấp hành bầu ra, hoạt động theo sự phân công của Chủ tịch, theo nhiệm vụ và quyền hạn đã được Ban Chấp hành thông qua. Phó chủ tịch thường trực là người được Chủ tịch ủy quyền triển khai các hoạt động của Ban chấp hành, chịu trách nhiệm và báo cáo việc tổ chức thực hiện với Chủ tịch.
3. Tổng thư ký do Ban Chấp hành bầu ra là người điều hành hoạt động Văn phòng Hội, có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
– Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành về các mặt công tác.
– Tham mưu cho Chủ tịch và Ban chấp hành Hội về các giao dịch và ký kết các văn bản và các hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức Gôn, các tổ chức thể thao – kinh tế – xã hội trong và ngoài nước theo quy định của Ban chấp hành.
– Tổ chức điều hành các hoạt động, sinh hoạt thường kỳ.
– Tham mưu và làm kế tóan thu chi theo quy định của Hội và các khoản tài chính khác trong khuôn khổ dự toán đã được Ban chấp hành thông qua để triển khai các hoạt động thường kỳ hàng tháng và các công tác theo kế hoạch đã được xem xét và phê chuẩn.
– Các Phó tổng thư ký và các Ủy viên chuyên trách giúp việc khác do Tổng thư ký đề xuất và được Ban Chấp hành phê chuẩn.

CHƯƠNG V: TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 13. Hội Gôn Thành phố Hà Nội có nguồn tài chính và tài sản được quản lý, thu – chi cho các hoạt động theo các quy định về tài chính của Hội phù hợp luật pháp và các quy định hiện hành của Nhà nước và được công khai trong các kỳ họp của Ban chấp hành và tại Đại hội đồng hội  viên.

Điều 14. Nguồn thu tài chính của Hội Gôn Thành phố Hà Nội gồm:
– Hội phí: Mức hội phí do Ban Chấp hành quy định và ban hành thành văn bản. Hội viên đóng hội phí  theo quy định.
– Đóng góp tự nguyện của các Hội viên.
– Tiền thu từ các hoạt động tạo nguồn kinh phí dưới các hình thức như: Tổ chức giải, bán bản quyền, phát hành sách báo, tiếp thị, quảng cáo, tham gia cổ phần, làm dịch vụ theo quy định của Nhà nước.
– Tiền thu từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ khác.
– Các khoản thu khác.

Điều 15. Các khoản chi:
– Mua sắm tài sản, phương tiện trang thiết bị cần thiết.
– Xây dựng, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất kỹ thuật.
– Chi phí hoạt động của văn phòng.
– Chi phí tổ chức giải, thi đấu, tập huấn, hội nghị, hội thảo, đào tạo, hỗ trợ,v.v…
– Chi phí khác.

CHƯƠNG VI: KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT

Điều 16. Những Hội viên có nhiều công lao đóng góp xây dựng phát triển Hội, có nhiều thành tích xuất sắc trong tập luyện và thi đấu trong và ngoài nước đều được khen thưởng hoặc được để nghị khen thưởng ở cấp quản lý cao hơn.

Điều 17. Hội viên vi phạm điều lệ, quy định của Hội hoặc làm tổn hại đến uy tín và danh dự của Hội tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau như khiển trách, cảnh cáo và khai trừ.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Điều lệ này có hiệu lực sau khi được Đại hội thông qua và được Ủy ban Nhân dân  Thành phố Hà Nội phê duyệt ban hành. Hội viên của Hội Gôn Thành phố Hà Nội có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các điều khoản đã ghi trong Điều lệ này.

Điều 19. Chỉ có Đại Hội đồng Hội viên mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt mới có giá trị thực hiện./.